TS. NGUYỄN HỮU HIỂU

Việc giải ngân các dự án ODA có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần tăng huy động vốn ngoại tệ, tăng thu phí dịch vụ, vừa nâng cao uy tín, mở rộng thị trường và phạm vi hoạt động của Ngân hàng. Để góp phần nâng cao hiểu biết về nguồn vốn này, tại bài viết này tác giả tập trung nghiên cứu tìm hiểu xuất xứ, đặc điểm và vai trò của nguồn vốn ODA đối với sự phát triển kinh tế, xã hội (KTXH) của nước tiếp nhận.

Xuất xứ của ODA

Đại chiến Thế giới thứ 2 kết thúc cũng là thời điểm mở đầu cho một cuộc chiến mới kéo dài gần nửa thế kỷ, đó là chiến tranh lạnh giữa phe Xã hội chủ nghĩa (XHCN) và Tư bản chủ nghĩa, mà đứng đầu là Liên Xô và Hoa Kỳ. Hai cường quốc này thực thi nhiều biện pháp, đặc biệt là về kinh tế để củng cố hệ thống đồng minh của mình.

Đối với Hoa Kỳ, nền kinh tế không những không bị tàn phá mà ngày càng giầu có nhờ chiến tranh. Năm 1945, GNP của Hoa Kỳ là 213,5 tỷ USD, bằng 40% tổng sản phẩm toàn thế giới. Ở thái cực khác, các nước đồng minh của Hoa Kỳ lại chịu tác động nặng nề của cuộc chiến tranh. Sự yếu kém về kinh tế của các nước này khiến Hoa Kỳ lo ngại trước sự mở rộng của phe XHCN. Để ngăn chặn sự phát triển đó giải pháp quan trọng lúc bấy giờ là giúp các nước tư bản sớm hồi phục kinh tế. Năm 1947, Hoa Kỳ triển khai kế hoạch Marshall, viện trợ ồ ạt cho các nước Tây Âu. Từ năm 1947 đến 1951 Hoa Kỳ viện trợ cho các nước Tây Âu tổng cộng 12 tỷ USD (tương đương 2,2% GDP của thế giới và 5,6% GDP của Hoa Kỳ lúc bấy giờ). Về phía mình, Liên Xô cũng sử dụng biện pháp trợ giúp kinh tế để củng cố và gia tăng số lượng các nước gia nhập phe XHCN. Với tinh thần “quốc tế vô sản” Liên Xô đã tài trợ cho nhiều quốc gia trên thế giới, từ các nước ở châu Âu, châu Á, đến châu Phi và Mỹ La-tinh. Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, tổng số tiền các nước còn nợ Liên Xô lên đến con số khổng lồ, quy đổi ra đôla Mỹ là 120 tỷ.

Viện trợ của Hoa Kỳ cho các nước Tây Âu và của Liên Xô cho các nước XHCN được coi là các khoản ODA đầu tiên. Mặc dù mục tiêu chính của các khoản viện trợ này là chính trị nhưng chúng cũng đã có tác dụng nhất định giúp các nước tiếp nhận phát triển KTXH. Đến năm 1960, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của các nước đang và kém phát triển, cộng với nhận thức thay đổi của các nước giầu đối với sự phát triển của các nước nghèo, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thành lập Uỷ ban Hỗ trợ phát triển (DAC). Uỷ ban này có nhiệm vụ yêu cầu, khuyến khích và điều phối viện trợ của các nước OECD cho các nước đang và kém phát triển. Kể từ khi bản báo cáo đầu tiên của DAC ra đời vào năm 1961, thuật ngữ ODA được chính thức sử dụng, với ý nghĩa là sự trợ giúp có ưu đãi về mặt tài chính của các nước giầu, các tổ chức quốc tế cho các nước nghèo.

Đặc điểm của ODA

Một khoản tài trợ được coi là ODA nếu đáp ứng đầy đủ 3 điều kiện sau:

Một là: Được các tổ chức chính thức hoặc đại diện của các tổ chức chính thức cung cấp. Tổ chức chính thức bao gồm các nhà nước mà đại diện là Chính phủ, các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia, và các tổ chức phi chính phủ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Gắn với nguồn cung cấp, người ta chia ODA thành hai dạng: ODA song phương và ODA đa phương.

ODA song phương: Chủ yếu do các nước là thành viên của DAC cung cấp. Hiện nay Uỷ ban này có 22 quốc gia, hàng năm viện trợ một lượng ODA chiếm tỷ trọng khoảng 85% của toàn thế giới. Năm 2006, các nước DAC viện trợ 103 tỷ USD và năm 2007: 102 tỷ USD. Dự kiến trong ngắn hạn và trung hạn, lượng ODA do các quốc gia này cung cấp tiếp tục tăng.

ODA đa phương: Do các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, các Tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, ADB, Ngân hàng phát triển châu Phi, Quỹ viện trợ của OPEC, Quỹ Cô oét và các Tổ chức phi chính phủ cung cấp.

Hai là: Mục tiêu chính là giúp các nước đang phát triển (ĐPT) phát triển kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội. Các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA bao gồm: Xoá đói, giảm nghèo, nông nghiệp và phát triển nông thôn; cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, năng lượng; cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; các vấn đề xã hội như tạo việc làm, phòng chống dịch bệnh, phòng chống các tệ nạn xã hội; cải cách hành chính, tư pháp, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, cải cách thể chế…

Ba là: Thành tố hỗ trợ (Grant element – GE) phải đạt ít nhất 25%. Thành tố hỗ trợ, còn được gọi là yếu tố không hoàn lại là một chỉ số biểu hiện tính “ưu đãi” của ODA so với các khoản vay thương mại theo điều kiện thị trường. Thành tố hỗ trợ càng cao càng thuận lợi cho nước tiếp nhận. Chỉ tiêu này được xác định dựa trên tổ hợp các yếu tố đầu vào: Lãi suất, thời gian ân hạn, thời hạn cho vay, số lần trả nợ trong năm, và tỷ lệ chiết khấu. Công thức xác định như sau:

Image

Trong đó:

GE: Yếu tố không hoàn lại.

r: Tỷ lệ lãi suất hàng năm.

a: Số lần trả nợ trong năm (theo điều kiện của bên tài trợ).

d: Tỷ lệ chiết khấu của mỗi kỳ. d = (1 + d’ )1/a – 1.

d’: Tỷ lệ chiết khấu của cả năm (theo thông báo của OECD hoặc các thoả thuận của bên tài trợ).

G: thời gian ân hạn.

M: Thời hạn cho vay.

Vai trò của ODA

Nguồn vốn ODA được đánh giá là nguồn ngoại lực quan trọng giúp các nước ĐPT thực hiện các chiến lược phát triển KTXH của mình. Vai trò của ODA thể hiện trên các giác độ cơ bản như:

– ODA là nguồn vốn bổ sung giúp cho các nước nghèo đảm bảo chi đầu tư phát triển, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Vốn ODA với đặc tính ưu việt là thời hạn cho vay dài thường là 10 – 30 năm, lãi suất thấp khoảng từ 0,25% đến 2%/năm. Chỉ có nguồn vốn lớn với điều kiện cho vay ưu đãi như vậy Chính phủ các nước ĐPT mới có thể tập trung đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế như đường sá, điện, nước, thuỷ lợi và các hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế. Những cơ sở hạ tầng KTXH được xây dựng mới hoặc cải tạo nhờ nguồn vốn ODA là điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của các nước nghèo. Theo tính toán của các chuyên gia của WB, đối với các nước ĐPT có thể chế và chính sách tốt, khi ODA tăng lên 1% GDP thì tốc độ tăng trưởng tăng thêm 0,5%.

– ODA giúp các nước ĐPT phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường. Một lượng ODA lớn được các nhà tài trợ và các nước tiếp nhận ưu tiên dành cho đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lĩnh vực này, tăng cường một bước cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc dạy và học của các nước ĐPT. Bên cạnh đó, một lượng ODA khá lớn cũng được dành cho các chương trình hỗ trợ lĩnh vực y tế, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Nhờ có sự tài trợ của cộng đồng quốc tế, các nước ĐPT đã gia tăng đáng kể chỉ số phát triển con người của quốc gia mình.

– ODA giúp các nước ĐPT xoá đói, giảm nghèo. Xoá đói nghèo là một trong những tôn chỉ đầu tiên được các nhà tài trợ quốc tế đưa ra khi hình thành phương thức hỗ trợ phát triển chính thức. Mục tiêu này biểu hiện tính nhân đạo của ODA. Trong bối cảnh sử dụng có hiệu quả, tăng ODA một lượng bằng 1% GDP sẽ làm giảm 1% nghèo khổ, và giảm 0,9% tỷ lệ tỷ vong ở trẻ sơ sinh. Và nếu như các nước giầu tăng 10 tỷ USD viện trợ hằng năm sẽ cứu được 25 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

– ODA là nguồn bổ sung ngoại tệ và làm lành mạnh cán cân thanh toán quốc tế của các nước ĐPT. Đa phần các nước ĐPT rơi vào tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai, gây bất lợi cho cán cân thanh toán quốc tế của các quốc gia này. ODA, đặc biệt các khoản trợ giúp của IMF có chức năng làm lành mạnh hoá cán cân vãng lai cho các nước tiếp nhận, từ đó ổn định đồng bản tệ.

– ODA được sử dụng có hiệu quả sẽ trở thành nguồn lực bổ sung cho đầu tư tư nhân. Ở những quốc gia có cơ chế quản lý kinh tế tốt, ODA đóng vai trò như nam châm “hút” đầu tư tư nhân theo tỷ lệ xấp xỉ 2 USD trên 1 USD viện trợ. Đối với những nước đang trong tiến trình cải cách thể chế, ODA còn góp phần củng cố niềm tin của khu vực tư nhân vào công cuộc đổi mới của Chính phủ. Tuy nhiên, không phải lúc nào ODA cũng phát huy tác dụng đối với đầu tư tư nhân. Ở những nền kinh tế có môi trường bị bóp méo nghiêm trọng thì viện trợ không những không bổ sung mà còn “loại trừ” đầu tư tư nhân. Điều này giải thích tại sao các nước ĐPT mắc nợ nhiều, mặc dù nhận được một lượng ODA lớn của cộng đồng quốc tế song lại không hoặc tiếp nhận được rất ít vốn FDI.

– ODA giúp các nước ĐPT tăng cường năng lực và thể chế thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính và xây dựng chính sách quản lý kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, nguồn vốn ODA cũng tiềm ẩn nhiều hậu quả bất lợi đối với các nước tiếp nhận nếu ODA không được sử dụng hiệu quả, như làm tăng gánh nặng nợ quốc gia, lệ thuộc chính trị vào nhà tài trợ,…

NGUỒN: HIỆP HỘI NH VN, www.vnba.org.vn