PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

[Tài liệu công bố tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên, 2017]

Năm 2017 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp của Chính phủ. Quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển đang được định hình rõ nét từ chính sách ban hành cho đến các hành động cụ thể. Nhiều nghị quyết quan trọng được ban hành thời gian qua như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35. Năm 2017 được xác định là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên quan tâm tới công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh, giảm thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp… Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Những chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dần lan tỏa xuống các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Các diễn đàn, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đã được tổ chức thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành trong năm 2017. Nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được lắng nghe, được các cơ quan nhà nước tháo gỡ với thái độ cầu thị. Nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ… đã chủ động rà soát, có nhiều kế hoạch cải cách điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Nhìn chung, những nỗ lực trên đang tạo thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới, trở lại hoạt động cũng như số vốn đưa vào đầu tư kinh doanh đều tăng mạnh mẽ. Trong 11 tháng đầu năm 2017, cả nước có 116.045 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.131.819 tỷ đồng, tăng 14,1% về số doanh nghiệp và tăng 41,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, trong 11 tháng đầu năm 2017 có 24.349 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 140,4 nghìn doanh nghiệp.[1]

Các tổ chức quốc tế cũng đã ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh này của Việt Nam. Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017- 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp hạng 55 (trên tổng số 137 nền kinh tế), tăng 5 bậc so với năm trước đó và tăng 20 bậc so với 5 năm trước đây. Việt Nam tăng bậc mạnh mẽ, đến 14 bậc, trong Chỉ số Kinh doanh 2018 (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới, lên vị trí 68/190 nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 11 tháng đầu năm 2017, đã có 10.814 doanh nghiệp giải thể và 55.664 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lần lượt tăng 3,3% và 3% so với cùng kỳ năm trước.[2] Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, những gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang là một trở ngại lớn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI) VCCI công bố vào tháng 3 năm 2017 thì 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính. Cũng theo kết quả khảo sát này, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là thủ tục hành chính phiền hà.

Để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, trong năm 2017 vừa qua đã chủ động xây dựng các kiến nghị cụ thể để kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành. VCCI cho rằng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, trước hết tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bản tổng hợp dưới đây sẽ tóm tắt các nhóm kiến nghị chính của VCCI thực hiện trong năm 2017[3] tập trung vào ba chủ đề trên.

1. Tiếp tục cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Luật đầu tư 2014 ban hành là một bước đột phá mạnh mẽ về các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh. Lần đầu tiên, trong văn bản cấp luật, mục tiêu khi quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được xác định rõ ràng, đó là vì “lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng[4]”. Những mục tiêu này đã thể hiện quan điểm đúng đắn về cách hành xử của Nhà nước đối với các chủ thể kinh doanh, chỉ kiểm soát các hoạt động tác động đến trật tự công. Bên cạnh xác định mục tiêu, Luật đầu tư 2014 cũng đưa ra Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Có nghĩa, các ngành, nghề trong Danh mục là những ngành, nghề, khi thực hiện kinh doanh sẽ tác động đến các lợi ích công cộng đến mức buộc Nhà nước phải can thiệp bằng điều kiện kinh doanh.

Danh mục tại Luật đầu tư 2014 đã qua một lần sửa đổi năm 2016, điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó đã loại bỏ khá nhiều ngành, nghề kinh doanh; sửa đổi phạm vi của một số ngành, nghề và bổ sung thêm mới một số ngành nghề. Nhìn tổng thể, Danh mục sửa đổi năm 2016 đã thể hiện được tinh thần cải cách, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, nhất quán với các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trong các Nghị quyết 19[5], Nghị quyết 35[6] của Chính phủ.

Mặc dù có những điểm tích cực trong lần sửa đổi vừa rồi, phản ánh từ cộng đồng kinh doanh cho thấy cần tiến hành thường xuyên hoạt động rà soát, đánh giá các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để xác định chính xác các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phù hợp với mục tiêu quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư 2014, vừa đảm bảo sự quản lý của Nhà nước vừa hiện thực hóa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của các quy định tại Luật đầu tư 2014[7] và Nghị định 118/2015/NĐ-CP[8]. Việc rà soát, đánh giá này cần có sự tham vấn rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng tác động chính của các quy định về điều kiện kinh doanh.

Năm 2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trên cơ sở phản ánh của công đồng doanh nghiệp và tham vấn chuyên gia đã tiến hành rà soát các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục để nhận diện những ngành, nghề kinh doanh chưa phù hợp với các mục tiêu tại khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư 2014 qua đó đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện Danh mục. Kết quả cho thấy:

Một số ngành, nghề không nhận thấy tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng: Hầu hết các ngành, nghề này đều mang “dáng dấp” của hoạt động kinh doanh thông thường. Những rủi ro, nếu có, sẽ tác động đến các chủ thể tư và các chủ thể này đã có hệ thống pháp luật tư bảo vệ. Các ngành, nghề được tìm thấy có tính chất này gồm: Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Mục 36); Xuất khẩu gạo (Mục 55); Kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển (Mục 90); Kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì (Mục 128).

Các ngành, nghề không nhận thấy rõ tính đặc thù so với các ngành, nghề kinh doanh thông thường cùng loại. Sở dĩ điều kiện kinh doanh áp dụng đối với một số ngành, nghề, bởi vì tính chất đặc thù của ngành, nghề đó so những ngành, nghề kinh doanh thông thường khác. Tính chất đặc thù đó là những tác động tới lợi ích công cộng đến mức buộc Nhà nước phải quản lý bằng các điều kiện trước khi hoạt động kinh doanh. Như đã phản ánh ở trên, việc kiểm soát ngành, nghề kinh doanh bằng điều kiện chỉ nhằm mục đích lợi ích công cộng, an ninh quốc gia, quốc phòng, sức khỏe cộng đồng, môi trường. Do đó, đối với những ngành nghề có cùng tính chất, nhưng lại có sự khác nhau về phương thức quản lý (một bên là ngành nghề kinh doanh thông thường, một bên là ngành nghề kinh doanh có điều kiện) thì cần phải chứng minh được tính đặc thù của ngành, nghề bị kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh (phải liên quan đến các mục tiêu ở trên) so với các ngành, nghề còn lại.

Rà soát tổng thể Danh mục, không nhận thấy tính chất đặc thù của một số ngành, nghề kinh doanh, cụ thể là ở các ngành, nghề: Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh (Mục 57); Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô (Mục 78); Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư (Mục 119); Kinh doanh dịch vụ lữ hành (Mục 210);

Các ngành, nghề có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh. Về mặt logic, điều kiện kinh doanh là điều kiện ràng buộc, hạn chế và kiểm soát chủ thể kinh doanh. Vì thế công cụ “điều kiện kinh doanh” chỉ nên sử dụng trong các trường hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh có thể tác động đến trật tự công (ví dụ: đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: yếu tố trình độ của người khám bệnh là rất quan trọng, vì tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, do đó cần phải kiểm soát ngay từ đầu, trước khi các chủ thể này thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh).

Đối với những trường hợp mà bản thân quá trình sản xuất, kinh doanh của chủ thể kinh doanh không tác động đến các lợi ích công cộng nhưng các sản phẩm, hàng hóa là kết quả của quá trình đó lại có thể tác động đến trật tự công thì phương pháp quản lý thích hợp (và đang áp dụng) là các giới hạn kỹ thuật tối thiểu đối với sản phẩm, hàng hóa đó (thường thể hiện bằng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật) buộc phải đáp ứng nếu muốn tiêu thụ tại thị trường. Hiện tại, trên thị trường có các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, đây là các tổ chức được cấp phép để thực hiện các hoạt động chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Như vậy, với việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật (kiểm soát những rủi ro của hàng hóa có thể tác động đến lợi ích công cộng) và đảm bảo sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa thông qua sự xác nhận của các tổ chức chứng nhận, Nhà nước có thể kiểm soát được những tác động tới lợi ích công cộng của hoạt động kinh doanh thay vì ban hành các điều kiện kinh doanh đối với các chủ thể.

Đối với những hàng hóa, dịch vụ không có quy chuẩn kỹ thuật/ tiêu chuẩn kỹ thuật và các sản phẩm, hàng hóa này có những tác động nhất định đến trật tự công, trong một số trường hợp, yêu cầu về điều kiện của các chủ thể kinh doanh thường không mang đến hiệu quả kiểm soát tốt hơn/ có ý nghĩa so với các biện pháp quản lý khác như đặt ra các yêu cầu nhất định đối với các sản phẩm, hàng hóa trước khi lưu thông thị trường; quy định các nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện trong quá trình kinh doanh; quy định các chế tài đủ mạnh có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm…

Các ngành, nghề có thể kiểm soát bằng hình thức quản lý khác thay vì điều kiện kinh doanh đó là: Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG) (Mục 43); Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng (Mục 120); Sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy (Mục 203); Kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim (Mục 206); Kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng (Mục 215).

Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Danh mục xác định phạm vi kiểm soát quá mức cần thiết/không chính xác. Đối với ngành, nghề được xác định có tác động đáng kể tới lợi ích công cộng thì cần xem xét đến phạm vi cần kiểm soát đến đâu. “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”[9]. Như vậy, nếu một ngành, nghề nào đó trong Danh mục có gắn cụm từ “kinh doanh” thì sẽ được hiểu tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ của ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện kinh doanh. Ở một số ngành, nghề không phải tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư đều tác động đến lợi ích công cộng mà chỉ là một/một vài khâu trong quá trình đó cần được kiểm soát. Do đó, nếu không phân tách rõ phạm vi mà sử dụng chung cụm từ “kinh doanh” trước tên của ngành, nghề sẽ khiến cho việc kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh mở rộng ra quá mức cần thiết, ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Rà soát nhận thấy trong Danh mục có một số ngành, nghề có phạm vi kinh doanh bị kiểm soát quá rộng. Cụ thể: Kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi (Mục 151): Với ngành, nghề kinh doanh này thì khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản có thể sẽ tác động đến lợi ích công cộng (chất lượng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các vật nuôi, thủy sản; sức khỏe của người sử dụng các thực phẩm từ vật nuôi, thủy sản). Trong khi đó, hoạt động buôn bán thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi lại chưa nhận thấy mức độ ảnh hưởng đến trật tự công đến mức Nhà nước buộc phải can thiệp (chất lượng của sản phẩm đã được kiểm soát trước đó; quá trình mua bán sản phẩm cũng ít tác động đến chất lượng của hàng hóa).

Cùng tính chất tương tự trên, các ngành, nghề như: Kinh doanh thủy sản (Mục 150); Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (Mục 161); Kinh doanh phân bón (Mục 174); Kinh doanh giống cây trồng (Mục 176); Kinh doanh giống thủy sản (Mục 177), chỉ cần kiểm soát điều kiện kinh doanh ở khâu sản xuất.

Cũng liên quan đến phạm vi, vì các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ hạn chế phần nào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vì vậy phạm vi của mỗi ngành, nghề cần được xác định rõ ràng, tránh hiện tượng có nhiều cách diễn giải khiến cho phạm vi bao trùm lên cả những hoạt động kinh doanh không cần thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh.

Trong Danh mục, có một số ngành, nghề kinh doanh có phạm vi không rõ, cụ thể: Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương (Mục 52); Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 172); Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế (Mục 194). Không rõ đây là những loại thực phẩm nào? Liệu có phải là tất cả các loại thực phẩm không (bởi rốt cuộc thì một loại thực phẩm sẽ hoặc là thuộc lĩnh quản lý của một Bộ hoặc nhiều Bộ, cơ bản không có loại thực phẩm nào không thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ nào cả).

Hơn nữa, trong Danh mục có một số loại hàng hóa thực phẩm cũng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương nhưng được tách riêng ra thành các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (ví dụ: gạo, thực phẩm đông lạnh). Khái niệm “thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương” có thể chồng lấn với các nhóm hàng này. Trong khi đó, quan trọng nhất trong kiểm soát thực phẩm chính là an toàn thực phẩm. Do đó cần đặt ra những yêu cầu đối với quá trình sản xuất, kinh doanh đối với các loại thực phẩm này để đảm bảo về an toàn thực phẩm. Ngoài mục tiêu trên thì không nên có ràng buộc nào khác đối với các chủ thể kinh doanh loại mặt hàng này. Quy định tại Mục 52, Mục 172, Mục 194 có thể hiểu là sẽ quản lý bao trùm (không chỉ giới hạn ở “an toàn thực phẩm”) đối với hoạt động kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của các Bộ. Như vậy là biện pháp quản lý quá mức cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngành, nghề trong Danh mục không phải là ngành, nghề kinh doanh. Về nguyên tắc, các ngành, nghề trong Danh mục là các ngành, nghề kinh doanh – tức là có các đặc điểm: hoạt động phát sinh lợi nhuận; hoạt động có đặc trưng chung của một lĩnh vực nào đó. Rà soát Danh mục lại nhận thấy có ngành, nghề không phải là hoạt động kinh doanh; có ngành, nghề, xét về bản chất lại không phải là ngành, nghề (ví dụ: kinh doanh dịch vụ logistics. Logistics bao gồm một hoặc nhiều hoạt động như: vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan… và mỗi hoạt động đó lại là một ngành, nghề được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành. Do đó, khó có thể xem logistics là một ngành và quy định điều kiện kinh doanh chung cho tất cả các hoạt động).

Trên cơ sở các nhóm vấn đề được nhận diện ban đầu nói trên, kết quả rà soát cho thấy các cơ quan nhà nước có liên quan cần sửa đổi các quy định liên quan tới:

· 16 ngành, nghề sau được xác định là các ngành, nghề kinh doanh điều kiện là chưa phù hợp, cụ thể bao gồm: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại (Mục 17); Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Mục 36); Sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG) (Mục 43); Xuất khẩu gạo (Mục 55); Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh (Mục 57); Kinh doanh dịch vụ Logistics (Mục 60); Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô (Mục 78); Kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển (Mục 90); Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư (Mục 119); Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng (Mục 120); Sản xuất mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy (Mục 203); Kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim (Mục 206); Kinh doanh dịch vụ lữ hành (Mục 210); Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu (Mục 212); Kinh doanh dịch vụ giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng (Mục 215); Kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì (Mục 128).

· 10 ngành, nghề kinh doanh sau có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp, cụ thể bao gồm: Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương (Mục 52); Nhượng quyền thương mại (Mục 59); Kinh doanh thủy sản (Mục 150); Kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi (Mục 151); Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (Mục 161); Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Mục 172); Kinh doanh phân bón (Mục 174); Kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi (Mục 176); Kinh doanh giống thủy sản (Mục 177); Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế (Mục 194).

2. Cải cách mạnh mẽ thủ tục kiểm tra chuyên ngành

Pháp luật về quản lý chuyên ngành (QLCN) của Việt Nam không phải là một hệ thống pháp luật đơn nhất mà là tập hợp các quy định có liên quan tới quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong nhiều hệ thống pháp luật chuyên ngành khác nhau. Hiện có khoảng xấp xỉ 300 văn bản (bao gồm các văn bản pháp luật và, trong một số trường hợp, còn có cả các văn bản khác như công văn, hướng dẫn, thông báo…) có quy định về vấn đề này, được soạn thảo, ban hành và/hoặc thực thi bởi ít nhất 10 Bộ chuyên ngành (Công thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường; Lao động, Thương binh và Xã hội).

Từ việc rà soát các văn bản pháp luật có liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, thực tế thực hiện kiểm tra chuyên ngành hiện nay, VCCI có các kiến nghị cụ thể sau:

(i) Khắc phục tình trạng kiểm tra toàn bộ các lô hàng: Trong tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, việc kiểm tra chuyên ngành được thực hiện với 100% lô hàng, không phân biệt thời điểm nhập khẩu, chủ thể nhập khẩu, model hàng hóa đó đã từng được kiểm tra hay chưa. Việc kiểm tra tất cả các lô hàng là nguyên nhân cơ bản dẫn tới những bất cập chủ yếu trong thực tiễn QLCN ở Việt Nam (thời gian giải phóng hàng bị kéo dài, chi phí QLCN quá lớn…). Việc kiểm tra tất các lô hàng còn áp dụng triệt để ở hàng mẫu, dù cho đây là sản phẩm công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, chưa xuất hiện trên thị trường (như Intel phản ánh). Đối một số sản phẩm công nghệ mới, hiện không có quy chuẩn để đối chiếu nhưng khi nhập khẩu vẫn phải làm thủ tục đăng ký hợp chuẩn hợp quy theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này tạo ra sự chậm trễ và ách tắc trong thông quan.

Giải pháp: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành, theo đó việc chuyên ngành chỉ thực hiện đối với các trường hợp có nguy cơ cao, ví dụ: Nhà nhập khẩu có lịch sử vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; Có căn cứ cho thấy lô hàng nhập khẩu có dấu hiệu gian lận, vi phạm pháp luật; Loại hàng hóa nhập khẩu là đối tượng bị gian lận, vi phạm pháp luật thường xuyên; Loại hàng hóa hoặc nơi xuất xứ của hàng hóa đang là đối tượng, vùng có nguy cơ dịch bệnh cao…

Cách thức thực hiện: Phương án tốt nhất là Bộ quản lý chuyên ngành chỉ quy định về điều kiện và tiêu chuẩn kiểm tra chuyên ngành, thủ tục kiểm tra chuyên ngành sẽ do Hải quan thống nhất thực hiện. Cơ quan hải quan sẽ sử dụng hệ thống quản lý rủi ro sẵn có của mình để thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành; Kết quả kiểm tra đối với một model có giá trị áp dụng cho các lô hàng cùng model nhập khẩu sau đó (hàng hóa cùng model đã được thông quan trước đó thì không phải kiểm tra chuyên ngành lại). Phương án khác: Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành sử dụng cơ chế quản lý rủi ro đang được cơ quan hải quan thực hiện

(ii) Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Trong tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành, việc kiểm tra chuyên ngành đều được thực hiện trước khi thông quan (tiền kiểm). Việc tiền kiểm tất cả các loại hàng hóa là nguyên nhân dẫn tới tình trạng dồn ứ hàng tại cảng, quá tải của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, làm mất chi phí lưu kho bãi, chậm giải phóng hàng, hư hỏng hàng hóa…

Giải pháp: Phân loại hàng hóa để chuyển việc kiểm tra chuyên ngành một số loại hàng hóa từ tiền kiểm sang hậu kiểm, ví dụ: Hàng hóa là máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải…. đã có chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật; Hàng hóa là thực phẩm đóng hộp, thực phẩm khác đã có chứng nhận tiêu chuẩn vệ sinh của nước xuất khẩu…

(iii) Loại bỏ sự bất hợp lý trong thực hiện thủ tục, hồ sơ kiểm tra chuyên ngành. Số lượng giấy tờ phải nộp, xuất trình khi xin giấy phép và làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rất lớn, đặc biệt trong đó bao gồm cả những loại giấy tờ không chứa đựng thông tin về chất lượng hàng hoá (tức là không giúp ích gì cho quản lý chuyên ngành), như B/L, invoice, packing list… Các thủ tục quản lý vẫn chủ yếu là thủ công (việc điện tử hóa mới chỉ được thực hiện ở một vài khâu trong một số lĩnh vực QLCN). Vẫn tồn tại phổ biến tình trạng yêu cầu công chứng, chứng thực giấy tờ, nhất là những loại giấy tờ không thể công chứng, chứng thực được như các chứng từ thương mại giao dịch bằng điện tử, không có chữ ký, con dấu sống (vận tải đơn, bản kê chi tiết, hợp đồng…)

Kiến nghị: Rà soát lại toàn bộ các thủ tục, hồ sơ kiểm tra chuyên ngành để loại bỏ các trường hợp trùng lặp, không khả thi, không liên quan hoặc không cần thiết.

(iv) Rà soát và loại bỏ tình trạng một loại hàng hóa phải chịu cùng lúc nhiều quy trình quản lý chuyên ngành. Sự chồng chéo trong các quy định, trong phân công quản lý giữa các Bộ QLCN dẫn đến một mặt hàng bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra. Ví dụ: Bộ Công thương và Bộ Giao thông vận tải cùng kiểm tra chuyên ngành với các mặt hàng cần cẩu tự hành, cần trục, cẩu trục, cổng trục, xe nâng; Bộ Công thương và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng kiểm tra chuyên ngành đối với Hệ thống điều chế và nạp khí, các mặt hàng khí hoá lỏng, khí hoà tan, bình chịu áp lực áp suất cao hơn 0,7 bar, nồi hơi, tời; Bộ LĐTBXH và Bộ Công an (BCA): Mặt hàng “bình chữa cháy”; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế: Mặt hàng Tinh bột: kiểm dịch thực vật thuộc Bộ NNPTNT và kiểm tra ATTP thuộc BYT); Mặt hàng Sữa tươi: kiểm dịch động vật (Bộ NNPTNT), kiểm tra Vệ sinh ATTP (BYT); Bộ NNPTNT và BCT: Các Mặt hàng bột sữa, fomai: kiểm dịch động vật (Bộ NNPTNT), kiểm tra ATTP (BCT); Giữa các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT: Mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu vừa phải kiểm dịch động vật (do cơ quan thú y thực hiện), vừa phải kiểm tra chất lượng (do Nafiquad thực hiện)…

Kiến nghị: Rà soát thực tế chồng chéo này và thống nhất một cơ quan làm đầu mối trong kiểm tra chuyên ngành

(v) Xoá độc quyền trong hoạt động kiểm tra, đánh giá sự phù hợp. Theo quy trình hiện nay thì Bộ quản lý chuyên ngành không thực hiện trực tiếp việc kiểm tra chất lượng hàng hóa mà chỉ xác nhận kết quả kiểm tra của tổ chức chuyên môn được chỉ định mà thôi. Luật CLSPHH, Luật ATTP giao quyền chỉ định tổ chức kiểm tra, đánh giá sự phù hợp cho Bộ quản lý chuyên ngành. Và trên thực tế các Bộ này chỉ chỉ định một số lượng rất hạn chế các tổ chức được quyền thực hiện việc kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Điều này dẫn tới tình trạng “độc quyền” của các tổ chức được chỉ định, dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ: Đối với việc kiểm tra chất lượng máy móc nông nghiệp (máy cày, máy kéo…) nhập khẩu, Cục chế biến nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối, Bộ NNPTNT chỉ định duy nhất 1 đơn vị kiểm tra ở Hà Nội, gây rất nhiều khó khăn, tăng chi phí cho DN nhập khẩu ở nơi khác, nhất là các tỉnh miến Trung, phía Nam. Trong khi đó về nguyên tắc thì tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đã được cấp phép hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đều có đủ năng lực chuyên môn để thực hiện việc kiểm tra này.

Kiến nghị: Sửa đổi quy định liên quan trong Luật Chất lượng sản phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành trong các lĩnh vực chuyên ngành, theo hướng: Bỏ quy định về chỉ định tổ chức đánh giá/chứng nhận sự phù hợp, theo đó tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đã được cấp phép phù hợp quy định pháp luật trong lĩnh vực liên quan đều có thể thực hiện việc kiểm tra này.

(vi) Chia sẻ thông tin giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành và CQHQ: Giữa CQ KTCN và CQHQ hiện nay chưa có sự chia sẻ thông tin về kết quả thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp. Việc chia sẻ thông tin này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để chờ đợi, đi lại lấy kết quả. Ví dụ, trong điều tra của VCCI, một số doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng không tự động liên kết kết quả khai báo hóa chất giữa Cục Hóa chất, Bộ Công thương và CQHQ. Các chi cục hải quan địa phương thường yêu cầu doanh nghiệp xuất trình xác nhận khai báo hóa chất trực tiếp mặc dù thủ tục khai báo đã được ký duyệt qua mạng. Hay doanh nghiệp cho biết thường xuyên phải nhập khẩu hàng mẫu (demo) là các công nghệ cao và mới nhất trên thị trường để phục vụ trưng bày, giới thiệu sản phẩm mới trên thị trường Việt Nam. Hàng mẫu thường rất đắt và không tái sử dụng vào các sản phẩm chính thức nhưng để phục vụ công tác KTCN, doanh nghiệp thường phải nhập nhiều hơn nhu cầu sử dụng. Doanh nghiệp phải nộp cho CQHQ lưu giữ 1 sản phẩm và cơ quan kiểm định hợp chuẩn hợp quy của Bộ Thông tin và truyền thông giữ 1 sản phẩm để làm thủ tục kiểm định. Trong khi hàng mẫu chỉ cần một số lượng ít.

Kiến nghị: Giữa CQ KTCN và CQHQ cần chia sẻ thông tin kịp thời về kết quả thực hiện thủ tục cho doanh nghiệp.

(vii) Giảm bớt thời gian và thủ tục thực hiện kiểm tra chuyên ngành: Thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tương đối dài, với quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Ví dụ, một số doanh nghiệp phản ánh vấn đề này khi thực hiện Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ: Khi doanh nghiệp muốn nhập khẩu 1 lô thép về phải mất 24 tiếng mới xin được công văn của Chi Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất lượng. Sau khi có công văn đến, doanh nghiệp nộp cho đơn vị phân tích hợp chuẩn, sau đó nộp cho CQHQ mở tờ khai. Sau khi lấy hàng về phải chờ kết quả giám định khoảng 10 ngày, tiếp đó cầm kết quả nộp cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chờ đợi thêm 3 ngày làm việc mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn nhập khẩu để thông quan tờ khai hải quan. Gần nửa tháng mới xong một lô hàng. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp đề xuất cần giảm chồng chéo giữa các cơ quan trong kiểm tra chuyên ngành. Ví dụ như một số doanh nghiệp bị CQHQ yêu cầu phải khai báo hóa chất khi nhập khẩu mặt hàng là nguyên liệu dược. Trong khi đó, nguyên liệu dược đã được Cục Quản lý Dược kiểm tra cấp giấy phép để nhập khẩu nên không cần phải khai báo hóa chất ở Cục Hóa Chất – Bộ Công thương khi nhập khẩu

Kiến nghị: Các doanh nghiệp đề nghị CQNN cần tiếp tục rút ngắn thời gian và rút gọn quy trình giải quyết thủ tục, tránh chồng chéo giữa các CQ QLCN nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

(viii) Giảm thiểu chi phí thực hiện KTCN: Các doanh nghiệp chi biết chi phí chính thức phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục về KTCN hiện nay là quá lớn. Theo thống kê từ CIEM, trung bình một năm, tổng thể các doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 29,6 triệu ngày công và 14,3 nghìn tỷ đồng cho các hoạt động quản lý chuyên ngành; chi phí không chính thức cũng lên tới 3 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, hệ thống thủ tục quá phức tạp cũng dẫn đến hiện tượng nhũng nhiễu từ cán bộ thực hiện, do vậy, chi phí không chính thức cũng ở mức cao. Chính chi phí cao, rủi ro lớn khi thực hiện đã làm giảm tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Kiến nghị: Cần có rà soát lại cụ thể các chi phí chính thức và không chính thức của từng thủ tục kiểm tra chuyên ngành, so sánh với các nước và đặt ra mục tiêu cắt giảm.

(ix) Yêu cầu KTCN cần linh hoạt và sát thực tiễn: Một số mặt hàng công nghệ cao, thuộc những tập đoàn hàng đầu thế giới, khi đưa sản phẩm về Việt Nam trưng bày hay làm mẫu thì bị yêu cầu phải xin giấy phép hợp chuẩn, hợp quy. Nhưng những con chip của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới (như của Intel) mới giai đoạn sản xuất thử, vừa phát minh sáng chế thì không thể có tiêu chuẩn quốc tế hay nội địa để hợp chuẩn, hợp quy. Dù không có ý nghĩa về thực tế nhưng quy trình này đang làm mất thời gian bình quân đến 2 tháng để làm thủ tục KTCN, hoàn toàn không phù hợp với chu trình sản xuất nhanh chóng. Hoặc có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu động cơ từ các hãng nổi tiếng Châu Âu, đạt tiêu chuẩn Châu Âu nhưng về đến Việt Nam lại bị kết luận không đạt tiêu chuẩn chất lượng hay hiệu suất năng lượng. Doanh nghiệp và đối tác không thể giải thích được tại sao sao các nước tiên tiến như Châu Âu, các hãng nổi tiếng công bố đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng về Việt Nam lại không được.

Kiến nghị: Việt Nam cần linh hoạt và thực tế công nhận kết quả KTCN của các tập đoàn hàng đầu thế giới hay các quốc gia phát triển có trình độ cao.

(x) Cần tổ chức lại bộ máy hành chính thực hiện KTCN: Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng mô hình bố trí văn phòng của các cơ quan liên quan tới kiểm tra chất lượng tập trung tại cửa khẩu như hiện nay. Theo các chuyên gia, thực tiễn trên thế giới hiện nay chỉ bố trí văn phòng của cơ quan hải quan và cơ quan kiểm dịch thực phẩm tại cửa khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu cao về an toàn thực phẩm. Còn lại, các cơ quan khác không nhất thiết phải ngồi tại cửa khẩu và có thể tiến hành kiểm tra chất lượng sau thông quan theo nguyên tắc rủi ro. Việc không bố trí tập trung tại cửa khẩu cũng góp phần hạn chế việc có tới 5-6 cơ quan cùng lúc kiểm tra một lô hàng xuất/nhập tại cửa khẩu; gây cản trở không nhỏ về thời gian, nhân lực của doanh nghiệp khi làm thủ tục thông quan cũng như lãng phí ngân sách của nhà nước đối với các chi phí cho cơ sở vật chất, lương cán bộ, công chức thực hiện hoạt động này.

Kiến nghị: Cần thay đổi cơ chế, giao quyền và tăng cường năng lực cho cơ quan Hải quan ở cửa khẩu để chuyển sang cơ chế kiểm tra theo model, quản lý rủi ro…

3. Cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

3.1 Cắt giảm các loại phí, lệ phí theo pháp luật về phí, lệ phí

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, nhiều bộ, ngành gần đây đã đề xuất cắt giảm các loại phí lệ phí cho doanh nghiệp. Tổng số thông tư về phí, lệ phí được các Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi để loại bỏ, cắt giảm phí đã gửi lấy ý kiến VCCI tính từ tháng 9 tới nay là 15 thông tư. Trong đó, số lượng phí, lệ phí được Bộ đề xuất bỏ: 01; Số lượng phí, lệ phí được Bộ đề xuất giảm: 44. Các lĩnh vực có đề xuất cắt giảm về mức phí, lệ phí thuộc phạm vi quản lý của các Bộ:

· Nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản: Quản lý chất lượng vật tư nuôi trồng thủy sản; trồng trọt và giống cây lâm nghiệp; đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá, phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản; cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi; cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu; thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; thẩm định hồ sơ công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (trừ thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng); phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; các thực phẩm là thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; công bố hợp quy và công bố phù hợp

· Y tế: Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; dược, mỹ phẩm

· Tài nguyên và môi trường: Khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia

· Thông tin và Truyền thông: Dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số; quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông

· Công an: Kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy

· Kế hoạch và Đầu tư: Cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp

· Lao động, Thương binh và Xã hội: Thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động;

· Tư pháp: Lĩnh vực giao dịch bảo đảm; phí công chứng, phí chứng thực, phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng, phí thẩm định điều kiện hoạt động

VCCI đánh giá cao nỗ lực cắt giảm các loại phí và tin rằng các đề xuất cắt giảm này sẽ giúp tiết kiệm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nỗ lực cắt giảm phí thực ra có thể làm tốt hơn nữa bởi:

(i) Một số loại phí, lệ phí lẽ ra nên được bãi bỏ nhưng chưa được Bộ đề xuất bỏ. Ví dụ: Phí cung cấp “Thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh” quy định tại Thông tư 215/2016/TT-BTC[10]: Lý do đề nghị bãi bỏ: Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp sau khi thành lập phải công bố công khai nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia. Do đó yêu cầu doanh nghiệp, các đối tượng khác phải trả phí để có thông tin đã được công khai này là chưa hợp lý.

(ii) Mức đề xuất giảm một số loại phí, lệ phí còn rất khiêm tốn. Tất cả các dự thảo đều đề xuất giảm phí, lệ phí xuống mức thấp hơn mức hiện tại. Tuy nhiên nhiều trường hợp mức giảm rất hạn chế, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách, thay đổi thực sự mà doanh nghiệp kỳ vọng.

Hai nhóm bất cập lớn qua những đề xuất cắt giảm này có thể thấy:

Thứ nhất: Mức phí, lệ phí dù đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với chi phí mà cơ quan Nhà nước bỏ ra, trái với bản chất của phí. Theo quy định tại Luật phí và lệ phí 2015 thì: mức phí phải được xác định dựa trên chi phí cơ quan nhà nước bỏ ra để thực hiện dịch vụ công (tức là không được cao hơn mức chi phí thực đã bỏ ra); mức phí này chỉ mang tính “bù đắp”, “phục vụ” (tức là không hoàn toàn là “trả ngang giá” cho các chi phí thực tế mà Nhà nước đã bỏ ra mà là thấp hơn chi phí mà Nhà nước bỏ ra).

Trên thực tế, nhiều trường hợp phí cấp phép dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn chi phí mà cơ quan Nhà nước bỏ ra để thực hiện việc thẩm định cấp phép (nhất là trong các hoạt động thẩm định chủ yếu thực hiện thông qua việc xem, kiểm tra các giấy tờ, dữ liệu có sẵn, không có bao gồm việc kiểm tra thực địa hay giám định kỹ thuật trực tiếp): Ví dụ “Phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản” quy định tại Thông tư 230[11]: 700.000 VNĐ/lần thẩm định (trong Dự thảo sửa đổi thì mức phí được đề xuất giảm xuống còn 630.000 VNĐ). Theo phản ánh của doanh nghiệp thì, một công ty chế biến cá ngừ cỡ vừa, trong năm 2016, thực tế cần tới 1.200 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Nếu theo mức phí tại Thông tư 230 thì công ty sẽ phải chi trả thêm mức phí này là 1.200 bộ x 630.000 đồng/bộ = 756.000.000 đồng/năm. Hay như với một doanh nghiệp sản xuất hải sản quy mô nhỏ, trong năm 2016, đã làm 220 bộ giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác chỉ cho riêng thị trường EU. Như vậy, ước tính chi phí doanh nghiệp này phải chi trả cho hoạt động xin giấy xác nhận này là 220 bộ x 630.000 đồng/bộ = 138.600.000 đồng/năm. Mức phí này là quá lớn với doanh nghiệp trong khi việc thẩm định cấp xác nhận của cơ quan Nhà nước chỉ là nhập và kiểm tra trên hệ thống các thông tin mà doanh nghiệp khai báo.

Thứ hai: Mức phí, lệ phí dù đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn so mức phí, lệ phí của các trường hợp có tính chất tương tự. Ví dụ “Phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm” quy định tại Thông tư 227[12]: 1.800.000 đồng/hồ sơ (được đề xuất giảm xuống còn 1.600.000 đồng/hồ sơ trong Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 227 đang được soạn thảo). Việc thẩm định đối với trường hợp này gần tương tự với việc thẩm định một số nội dung quảng cáo khác (nội dung kịch bản phim, chương trình trên băng, đĩa, phần mềm, trên các vật liệu khác và tài liệu trong quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế; nội dung thông tin quảng cáo thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, trang thiết bị, dụng cụ trong thú y…). Trong khi đó mức phí thẩm định“xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm” sau khi giảm (còn 1.600.000 đồng) vẫn cao hơn nhiều so với mức phí thẩm định cho các trường hợp khác (ví dụ mức phí xác nhận nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là 1.000.000 đồng, đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thuộc lĩnh vực y tế là1.200.000 đồng )

Một ví dụ khác “Phí thẩm định cấp, cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện: 20.500.000 đồng/lần; do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện là 1.200.000 đồng[13]. Mức phí do Bộ cấp dự kiến gấp 17 lần so với mức phí do Sở cấp. Tất nhiên các trường hợp giấy chứng nhận do Bộ cấp là các trường hợp phức tạp hơn trường hợp Sở cấp chứng nhận, nhưng chắc chắn không thể phức tạp hơn tới 20 lần được.

Các đề xuất cụ thể về từng loại phí, lệ phí VCCI đã nêu trong các văn bản góp ý cho từng Dự thảo Thông tư liên quan đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính.

3.2 Cắt giảm một số chi phí khác cho doanh nghiệp

(i) Về chi phí khởi sự kinh doanh

Liên quan tới chi phí Cấp giấy xác nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Nghị định 78/2015/NĐ-CP[14] quy định khi doanh nghiệp có yêu cầu, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Trong khi đó Luật doanh nghiệp 2014 không yêu cầu đăng ký hay ghi nhận về ngành, nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; không có quy định nào về việc cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo khi có thay đổi. Ở nhiều địa phương, để tiện cho việc quản lý doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn tự động cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (kể cả khi doanh nghiệp không có yêu cầu).

Điều này đang tạo ra một số tác động tiêu cực: Các doanh nghiệp phải chịu các chi phí tuân thủ trong việc thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, cũng như lưu trữ Giấy xác nhận thay đổi đăng ký doanh nghiệp. Đối với cơ quan NN: phát sinh thủ tục hành chính (TTHC), cũng như các chi phí thực hiện TTHC

Giải pháp đề xuất: Đề nghị bãi bỏ quy định thủ tục cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Đề nghị (i) thực hiện nghiêm túc quy định công khai thông tin doanh nghiệp trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bao gồm cả lưu vết thông tin từ đăng ký doanh nghiệp lần đầu, cho đến mỗi lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; (ii) quy định rõ giá trị pháp lý của các thông tin được công bố trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (ví dụ nội dung ngành nghề đăng ký kinh doanh), để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng tra cứu và sử dụng (như vậy họ sẽ không đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp giấy tờ nào phải chứng minh về ngành nghề kinh doanh của mình)

Về chi phí phát sinh từ yêu cầu ghi mã ngành nghề khi đăng ký kinh doanh. Khoản 1 Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP lại buộc doanh nghiệp phải ghi mã ngành cấp 4 cho các ngành nghề dự kiến kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Trong khi đó Luật Doanh nghiệp 2015 không yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh. Trên thực tế, việc ghi mã ngành cấp 4 này khiến doanh nghiệp tốn chi phí và thời gian để tìm kiếm, xác định, nhiều trường hợp dẫn tới việc doanh nghiệp khó hoặc không thể đăng ký, đặc biệt liên quan tới các ngành nghề mới, không biết xếp vào mã ngành nào hoặc có tranh cãi giữa cơ quan đăng ký doanh nghiệp với doanh nghiệp về việc xếp mã ngành.

Giải pháp đề xuất: Đề nghị bãi bỏ khoản 1 Điều 7 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

(ii) Về các chi phí sản xuất

Liên quan tới chi phí tiếp cận mặt bằng kinh doanh. Điều tra PCI 2016 cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn đáng kể về tiền thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh (53% gặp khó khăn, trong đó 25% là do giá đất theo quy định của Nhà nước cao và tăng quá nhanh; 35% cho biết giá thuê mặt bằng kinh doanh trên thị trường cao, đặc biệt trong các khu /cụm công nghiệp)

Giải pháp đề xuất: Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ ngành thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 35 về rà soát để điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí liên quan tới đất của doanh nghiệp, báo cáo cụ thể với Chính phủ về các kết quả thực hiện. Đề nghị có chính sách phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng các khu/cụm công nghiệp (ví dụ cơ chế nộp tiền thuê đất hàng năm thay vì cả giai đoạn 40-50 năm), qua đó giảm bớt giá cho thuê đất mà các doanh nghiệp này áp dụng

Chi phí liên quan tới lao động. Mức lương tối thiểu tăng hàng năm liên tục và ở mức cao (năm 2018 tăng 6.5% so với 2017) khiến chi phí sản xuất tăng (đặc biệt với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… nơi chi phí lương chiếm trên 70% giá gia công sản phẩm). Phạm vi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã mở rộng, bao gồm không chỉ tiền lương mà còn cả phụ cấp, các khoản thu nhập khác…dẫn tới tổng tiền bảo hiểm doanh nghiệp phải nộp tăng cao. Chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp (theo Điều tra PCI, tỷ trọng của chi phí tuyển dụng lao động năm 2009 là 1% thì năm 2016 đã là 4.1%); năng suất và chất lượng lao động đầu vào hạn chế khiến chi phí này ngày một gia tăng;

Giải pháp đề xuất: Đề nghị có lộ trình tăng lương tối thiểu hợp lý, có các nguyên tắc về việc tăng lương (ví dụ phải có căn cứ khoa học gắn với tỷ lệ tăng năng suất lao động, chỉ số giá tiêu dùng và tăng trường kinh tế). Xem xét giới hạn phạm vi các khoản thu nhập làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội. Đề nghị rà soát để giảm bớt các điều kiện đầu tư, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết đối với các cơ sở, đơn vị giáo dục, đào tạo (trong đó có đào tạo nghề), tạo điều kiện để tăng số lượng các cơ sở đào tạo, qua đó tăng nguồn cung lao động có chất lượng cho doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đào tạo, đào tạo lại tại doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động

(iii) Chi phí vận chuyển, logistics

Phí giao thông đường bộ: Một bất cập hiện nay mà nhiều doanh nghiệp phản ánh là các dự án BOT giao thông có chi phí quá cao, việc xác định thời gian thu phí, mức phí giao thông khi đưa dự án BOT vào hoạt động lại không được giám sát chặt chẽ, dẫn tới tình trạng phí cầu đường quá cao ở một số tuyến giao thông trọng điểm, làm tăng chi phí vận tải của doanh nghiệp

Giải pháp đề xuất: Đề nghị có quy định bắt buộc đấu thầu cạnh tranh đối với các dự án BOT nhằm lựa chọn nhà đầu tư có mức phí và thời gian thu phí thấp nhất; Đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu và giám sát thực hiện dự án cũng như việc thu phí;

Chi phí logistics cao: Chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ rất cao trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (20% GDP theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới) mà nguyên nhân chủ yếu là: thủ tục thông quan (hải quan và kiểm tra chuyên ngành) phức tạp; các khu, cụm công nghiệp chưa gắn kết tốt với quy hoạch hạ tầng giao thông; hạ tầng các dịch vụ kho bãi thiếu và yếu…

Giải pháp đề xuất

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc cải cách về kiểm tra chuyên ngành thông qua việc (i) giảm các loại hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, (ii) giảm tần suất kiểm tra, (iii) giảm thời gian, chi phí kiểm tra, (iv) sử dụng các kết quả chứng nhận sự phù hợp của hàng hóa thay thế các giấy chứng nhận/xác nhận kiểm tra chuyên ngành.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia thông qua việc (i) quy định thời hạn cụ thể yêu cầu các Bộ, ngành phải hoàn tất việc tham gia Cơ chế một cửa quốc gia; (ii) hoàn thiện cơ sở kỹ thuật, hạ tầng vận hành, tốc độ kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia giữa các Bộ ngành với nhau và với doanh nghiệp

Tăng cường các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quy hoạch trong xây dựng nội dung các quy hoạch trong Luật Quy hoạch, các Luật khác có liên quan và các văn bản hướng dẫn Luật này.


[1] Tổng cục Thống kê, Tình hình kinh tế- xã hội 11 tháng năm 2017, truy cập ngày 5/12/2017 tại <http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=18639&gt;

[2] Như trên

[3] Ba báo cáo mà VCCI thực hiện trong năm 2017 bao gồm: i) Báo cáo rà soát danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và rà soát về điều kiện kinh doanh ba ngành Công thương, Giao thông vận tải và Khoa học Công nghệ; ii) Báo cáo về tình hình kiểm tra chuyên ngành hàng hoá xuất nhập khẩu tại Việt Nam; iii) Báo cáo về chi phí kinh doanh tại Việt Nam.

[4] Khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư 2014 quy định “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”

[5] Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020

[6] Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020

[7] Điều 8 Luật đầu tư 2014: “Căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của Luật này theo thủ tục rút gọn”

[8]Khoản 1 Điều 15 Nghị định 118/2015/NĐ-CP: “Hằng năm và theo yêu cầu quản lý của mình, Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình.”

[9] Khoản 16 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014

[10] Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp

[11] Thông tư số 230/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá, phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản; lệ phí cấp giấy phép khai thác, hoạt động thủy sản

[12] Thông tư số 227/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực dược, mỹ phẩm

[13] Thông tư số 245/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

[14] Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015 của Chính phủ ban hành quy định về đăng ký doanh nghiệp.

Advertisement