TS. LÊ XUÂN SANG

PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ VIỆT NAM

1. Thông lệ trên thế giới trong việc Chính phủ vay Ngân hàng Trung ương khi gặp khó khăn về ngân sách

Trên thế giới, việc Ngân hàng Trung ương (NHTW) cho Chính phủ vay để giải quyết những khó khăn về tài khóa được quy định theo các điều khoản pháp lý khác nhau. Khảo sát toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại 152 nước theo các trình độ phát triển, vị trí địa lý và chế độ tỷ giá khác nhau cho thấy kết quả như sau: có tới 51/152 nước được khảo sát cấm NHTW cho Chính phủ vay; 41/152 (27%) nước được phép cho Chính phủ vay và 57/152 (37,5%) cho Chính phủ ứng trước, nói cách khác, có 98 nước hay gần 2/3 số nước được khảo sát được phép cho Chính phủ vay dài hạn và ứng trước (vay ngắn hạn); còn lại chỉ có 3 quốc gia là không có điều khoản pháp lý quy định về vấn đề này.

Dưới đây chi tiết hóa các quy định cụ thể.

a) Ngăn cấm hoàn toàn. Tại nhiều quốc gia, NHTW bị cấm không được cấp vốn cho chi tiêu của Chính phủ tại thị trường sơ cấp, hoặc không được cung cấp các khoản vay không an toàn. Thậm chí, nhiều NHTW còn bị cấm mua trái phiếu chính phủ tại các thị trường thứ cấp, vì hành động đó cũng được coi là cấp vốn gián tiếp. Việc cấm đoán này được thực hiện theo một số cách, ví dụ như đặt ra mức trần cho số lượng tương đối các trái phiếu chính phủ mà NHTW được phép giữ trong bảng cân đối của mình. Các quốc gia cho phép NHTW cấp vốn cho Chính phủ trong những trường hợp đặc biệt cũng được đưa vào trong nhóm này.

b) Tiếp cận ngắn hạn hoặc các khoản ứng trước từ nguồn vốn của NHTW. Các điều khoản tương đối ít chặt chẽ hơn cho phép Chính phủ đôi khi được cấp vốn từ NHTW. Về cơ bản, số tiền này bao gồm những khoản ứng trước hoặc thấu chi trong tài khoản của Chính phủ tại NHTW, nhằm mục đích bù đắp cho những thâm hụt theo mùa vụ của nguồn thu Chính phủ. Thông thường, có quy định đưa ra mức trần cho các khoản vay và đòi hỏi Chính phủ phải trả lại ngay trong năm tài khóa đó. Mức trần có thể là một giá trị tiền chính xác nào đó, hoặc tỷ lệ phần trăm nào đó của các khoản thu/chi Chính phủ trong những năm tài khóa trước, hoặc một bộ phận trên tổng số nợ của NHTW. Lãi suất có thể được áp dụng, hoặc cũng có thể không được đề cập rõ ràng theo luật (chi tiết xem dưới đây).

c) Tín dụng hoặc cấp vốn dài hạn tại thị trường sơ cấp. Nhóm này bao gồm các điều luật cho phép NHTW được cung cấp tiền trực tiếp cho Chính phủ với kỳ hạn dài hơn một năm, hoặc mua trái phiếu chính phủ trên thị trường sơ cấp, bất kể NHTW có được trao quyền ứng trước hay không. Luật cũng có thể (hoặc không) bao gồm cả nhiều điều kiện tài chính cho các khoản vay hoặc những hạn chế về số lượng tiền cho vay. Những quốc gia có điều luật cho phép NHTW thay mặt hoặc cung cấp vốn cho Chính phủ trả nợ nước ngoài, hoặc các điều luật đòi hỏi NHTW phải cung cấp tiền cho Chính phủ – ví dụ như cung cấp dự trữ ngoại tệ – cũng được đưa vào nhóm này.

d) Không có điều khoản quy định nào về việc NHTW cho chính phủ vay. Tại một số (3) quốc gia không có điều luật nào cấm NHTW cho Chính phủ vay.

e) Một số hình thức khác của việc cấp vốn NHTW. Nhóm cuối cùng là các quốc gia với những điều luật cho phép NHTW cấp vốn cho Chính phủ dưới những hình thức cụ thể, ví dụ những khoản vay cho các hoạt động kinh tế với sự tham gia của nhà nước, hoặc cấp vốn cho các định chế bảo hiểm tiền gửi thuộc sở hữu nhà nước hoặc Chính phủ để đối phó với các khủng hoảng tài chính. Các điều luật cho phép NHTW chuyển các khoản lãi chưa thực hiện (unrealized profits) cho Chính phủ – cùng với những điều chỉnh về tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền trong giỏ dự trữ ngoại tệ – cũng được gộp vào trong nhóm này.

– Theo vị trí địa lý

Đáng lưu ý là tại châu Âu (41 nước được khảo sát) có tới 36/41 nước hay 88% cấm NHTW cho Chính phủ vay với nhiều hạn định được quy định trong các thỏa thuận của Cộng đồng châu Âu (Điều 101).

Ngược lại, châu Phi (37 nước) và châu Á – Thái Bình Dương (CATBD) (19 nước) có vẻ "dễ dãi" hơn nhiều, tương ứng chỉ có 1 và 2 nước cấm tín dụng từ NHTW. Về khoảng trống pháp lý, lưu ý là châu Á Thái Bình Dương, châu Âu có lần lượt 2 và 1 nước không hề có quy định về việc NHTW cho Chính phủ vay; trong khi đó, tất cả các nước châu Phi, Trung Đông và Trung Á (25 nước) và Tây Bán cầu (29 nước) lại có quy phạm pháp luật về vấn đề này. Các nước 2 khu vực sau cũng “dung hòa” hơn trong việc cho Chính phủ vay từ NHTW khi chỉ có tương ứng gần 35% và 50% số nước cấm hoạt động này.

Riêng với các nước Tây Bán cầu, các nước Mỹ Latin và Caribê có chính sách cấm nghiêm ngặt hơn nhiều. Một số nước như Brazil, Guatemala hay Chile thậm chí còn đưa các điều khoản cấm NHTW cho Chính phủ vay vào Hiến pháp. Việc các quốc gia châu Âu và Mỹ Latin có chính sách cấm nghiêm ngặt nhất có lẽ xuất phát từ các biến cố lớn xảy ra trong quá khứ, ví dụ như lạm phát tăng nhanh do NHTW cấp vốn liên tục để bù đắp cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ. (Hình 1)

Hình 1: Các điều khoản pháp lý quy định việc NHTW cho Chính phủ vay

(Theo Trình độ phát triển và Chế độ tỷ giá hối đoái)image

  Nguồn: IMF Central Bank Legislation Database và Báo cáo Thường niên về Thỏa thuận Trao đổi và Hạn chế Giao dịch. Danh sách các quốc gia phát triển phù hợp với danh sách được IMF lựa chọn, các quốc gia mới nổi phù hợp với Cơ sở dữ liệu Các quốc gia Mới nổi của Standard&Poor, các nước đang phát triển bao gồm phần còn lại.

  Ghi chú:Tại một số quốc gia, pháp luật cho phép NHTW cung cấp cả tín dụng lẫn tiền ứng trước (advance) cho chính phủ. Trong các trường hợp này, để tránh bị trùng lặp, các tác giả chỉ tính mảng tín dụng thôi.*

– Theo trình độ phát triển

Các điều khoản pháp lý của việc NHTW cấp vốn cho Chính phủ của một nước có vẻ như trái ngược với trình độ phát triển của nước đó. Tại 2/3 các nước phát triển, NHTW không được cấp vốn để bù đắp thâm hụt tài khóa, trong khi con số đó tại các nền kinh tế mới nổi là gần 1/2, và chỉ có khoảng 1/5 tại các quốc gia đang phát triển.

Trong khi đó, việc cho phép NHTW cung cấp khoản ứng trước cho Chính phủ lại là đặc điểm chung của hơn một nửa các quốc gia đang phát triển trong mẫu nghiên cứu (Hình 1, bên trái).

Một trong những lý do giải thích cho hiện tượng này là hệ thống thuế của rất nhiều quốc gia đang phát triển không đảm bảo được nguồn thu ổn định cho Chính phủ. Với việc các thị trường vốn còn khá sơ khai và Chính phủ không có được nguồn thu như mong muốn cho các nhu cầu chi tiêu của mình, những khoản vay ngắn hạn từ NHTW giúp cho nguồn thu chính phủ ổn định hơn.

– Theo chế độ tỷ giá hối đoái

Từ một góc nhìn khác, các quốc gia áp dụng hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt thường nghiêm nhất trong việc cấm NHTW cho vay Chính phủ. Bên cạnh các quốc gia châu Âu, có nhiều nước khác cũng áp dụng chính sách lạm pháp mục tiêu. Chính sách này, về cơ bản, được hỗ trợ bởi hệ thống những thể chế, trong đó, có điều khoản quan trọng là không cho phép NHTW cấp vốn nhằm giải quyết thâm hụt tài khóa, với mục đích nhằm tăng sự độc lập về chính trị và trong hoạt động của NHTW. Mặt khác, khoảng gần một nửa các quốc gia áp dụng chế độ tỷ giá hối đoái trung gian và một nhóm các quốc gia sử dụng chế độ neo tỷ giá thông thường – áp dụng các điều kiện khá lỏng lẻo cho việc cấp vốn từ NHTW. Đây là điểm yếu tiềm tàng dễ gây tổn thương cho hệ thống hối đoái và làm cho lãi suất bị sai lệch theo hướng tăng cao khi các khoản vay lớn bắt đầu hiện thực hóa.

2. Một số quy định cụ thể về việc NHTW cho Chính phủ vay

Như đã nêu, tại rất nhiều các nền kinh tế đang phát triển, NHTW được phép cho Chính phủ vay. Phần này tập trung xem xét: (1) những đối tượng được hưởng lợi từ việc cấp vốn của NHTW; (2) đối tượng quyết định về lãi suất áp dụng cho các khoản vay; (3) mức hạn định cho các khoản vay; và (4) thời hạn tối đa của các khoản vay từ NHTW dành cho Chính phủ.

– Về người thụ hưởng

Tại hầu hết các quốc gia trong mẫu nghiên cứu, các điều khoản pháp lý có liên quan đến việc cấp vốn của NHTW đều tập trung vào đối tượng thụ hưởng là Chính phủ trung ương (Bảng 1). Tuy vậy, tại một số nước, đối tượng thụ hưởng được mở rộng tới các tập đoàn thuộc nhà nước (ví dụ như tại Bahamas, Bahrain, Bangladesh, Barbados, Fiji, Haiti, Jordan, Nicaragua, Pakistan và Yemen) hay chính quyền địa phương (như Canada, Costa Rica, India, Iran, Mauritania, và Uganda). Việc quy định chỉ Chính phủ trung ương được thụ hưởng các khoản vay từ NHTW không chỉ giúp giảm thiểu vấn đề tiền tệ hóa của nền kinh tế mà còn tạo điều kiện cho quá trình quản lý thanh khoản hệ thống của NHTW. (Bảng 1)

Bảng 1: Các khoản Ứng trước/Cho Vay của NHTW cho Chính phủ – Đối tượng thụ hưởng

image

        Nguồn: IMF Central Bank Legislation Database.

– Về mức lãi suất

Các quy định về lãi suất cho các khoản vay này khá đa dạng. Tại một vài quốc gia, Chính phủ có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định này (Bảng 2). Ví dụ, tại các nước Tây Bán cầu và châu Phi, đa phần các NHTW được trao quyền quyết định về lãi suất cho các khoản vay cấp cho Chính phủ, hay những quy định về mối liên kết giữa lãi suất này và các điều kiện thị trường. Tuy nhiên, vẫn có những nước thuộc vùng Carribe hay châu Phi – tiêu biểu là Angola, Kenya, Madagascar, và Namibia – tại đó, Chính phủ có thể đàm phán với NHTW về lãi suất.

Tại châu Á – Thái Bình Dương, một số nước như Ấn Độ. Nhật Bản và Malaysia, mức lãi suất được thỏa thuận giữa NHTW và Chính phủ. Tại hầu hết các quốc gia Trung Đông và Trung Á, lãi suất cũng được đàm phán bởi hai bên, Chính phủ và NHTW. Tại Israel – một trong số ít các nước châu Âu cho phép tiền tệ hóa các khoản thâm hụt tài khóa – mức lãi suất được thỏa thuận bởi Bộ trưởng Bộ Tài chính và NHTW. Tại một vài quốc gia, ví dụ Jamaica, Jordan, Mozambique, Syria, Uganda và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), các NHTW thậm chí có thể cung cấp miễn phí các khoản ứng trước cho Chính phủ. (Bảng 2)

Bảng 2: Các khoản Ứng trước/Cho vay của NHTW cho Chính phủ – Ai ra quyết định về lãi suất?

image

        Nguồn: IMF Central Bank Legislation Database.

Lưu ý là, việc Chính phủ có thể tham gia vào ấn định lãi suất gây ra nhiều lo lắng, đặc biệt đối với các nước có hệ thống thể chế yếu, bởi việc đàm phán có thể tác động xấu tới tính khách quan theo chiều hướng có lợi cho Chính phủ. Về cơ bản, cho phép Chính phủ tham gia tích cực vào quá trình quyết định lãi suất của khoản vay mà NHTW dành cho Chính phủ sẽ làm giảm tính độc lập của NHTW, và thôi thúc Chính phủ sử dụng vốn từ NHTW nhiều hơn là cố gắng tăng nguồn thu từ các thị trường, cả trong nước lẫn quốc tế.

– Về giá trị của khoản vay

Các quy định pháp lý về giá trị khoản vay mà NHTW dành cho Chính phủ thường khác nhau và không có điểm chung nào giữa các quốc gia trong cùng một khu vực (Bảng 3). Các giới hạn cho vay được tính toán dựa trên một vài chỉ số tương đối, phổ biến nhất là tỷ lệ phần trăm của thu ngân sách Chính phủ. Tại hầu hết các quốc gia, các khoản ứng trước và khoản vay không được phép vượt qua 10 % tổng thu ngân sách của Chính phủ vào năm tài khóa trước đó, hoặc trung bình cộng của ba năm tài khóa trước đó, mặc dù tại một vài nước châu Phi, tỷ lệ này có thể cao hơn một chút.

Bảng 3: Các khoản Ứng trước/Cho Vay của NHTW cho Chính phủ–– Giới hạn số lượng cho vay (dựa trên các khoản thu của chính phủ)

image

      Nguồn: IMF Central Bank Legislation Database.

Một vài quốc gia sử dụng các tỷ lệ tương đối khác để hạn chế việc cấp vốn này; ví dụ, tỷ lệ phần trăm của chi Chính phủ (5% ở Costa Rica), tỷ lệ phần trăm của ngân sách quốc gia (25% của Bahrain), tỷ lệ với một số ghi nợ của NHTW (12% lượng tiền cơ sở – Argentina), tỷ lệ với tài sản và dự trữ của NHTW (3 lần số tài sản và dự trữ – Serbia), hoặc là kết hợp của cả hai loại hình vừa đề cập (tài sản và dự trữ cộng với một phần ba ghi nợ của NHTW – Nam Phi).

Tại các quốc gia khác, số tiền tối đa có thể cho vay phụ thuộc vào đàm phán giữa NHTW và bộ tài chính – công khai (như Barbados) hoặc không công khai (như Liên minh Tiền tệ Trung Phi); hoặc do Quốc hội thông qua (Triều Tiên) hoặc được cố định theo giá trị danh nghĩa (Papua New Guinea). Mặc dù quy định rất khác nhau, có một điểm chung là tất cả các NHTW chỉ có thể cấp một lượng vốn có giới hạn cho Chính phủ, nhằm tránh gây hại cho tính độc lập về mặt hoạt động của mình.

– Về thời hạn của các khoản vay

Thời hạn của các khoản vay từ NHTW, đặc biệt là các khoản ứng trước, dành cho Chính phủ thường tập trung trong khoảng 180 ngày; tuy nhiên, tại một vài quốc gia thì thời hạn này không được đề cập rõ ràng trong luật. Ở nhiều nước châu Phi và Caribe, thời hạn có thể lên tới một năm (Bảng 4).

Bảng 4: Các khoản Ứng trước/Cho Vay của NHTW cho Chính phủ–– Kỳ hạn các khoản vay của NHTW

image

Nguồn: IMF Central Bank Legislation Database.

Tại nhiều quốc gia, tình hình vẫn cần cải thiện bởi các khoản chi tiêu công phụ thuộc nhiều vào tiền của NHTW. Trong điều kiện như vậy, các Chính phủ không có động lực để tối ưu hóa phương pháp quản lý tiền tệ thông qua hệ thống thuế và phát hành nợ công bởi họ luôn có thể dựa dẫm vào nguồn lực của NHTW. Do vậy, các quốc gia nên giải quyết vấn đề này bằng việc thực thi các cải cách, trong đó đòi hỏi (i) các khoản vay của chính quyền từ NHTW phải tuân thủ theo lãi suất thị trường, và (ii) các khoản nợ phải được trả dứt điểm ngay trong năm tài khóa đó.

3. Một số bài học kinh nghiệm

Qua kết quả khảo sát toàn cầu cho thấy những phát hiện chính bao gồm: (i) có tới gần 1/3 số nước được khảo sát cấm NHTW cho chính phủ vay; 27% số nước được phép cho Chính phủ vay và 37,5% cho Chính phủ ứng trước, nói cách khác, có gần 2/3 số nước được khảo sát được phép cho Chính phủ vay dài hạn và ứng trước (vay ngắn hạn); còn lại chỉ ít quốc gia là không có điều khoản pháp lý quy định về vấn đề này; (ii) hầu hết các quốc gia phát triển và một phần lớn các quốc gia với hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt đều trang bị các chính sách hạn chế mạnh mẽ việc NHTW cấp vốn cho Chính phủ; và (iii) nếu được vay từ NHTW, 2 bên phải dựa trên những điều kiện khác nhau, phần lớn được quy định trong các văn bản pháp quy và/ hoặc xác định dựa trên cơ sở đàm phán.

Tuy vậy, cho đến nay, ở một số nước, việc Chính phủ dựa dẫm quá nặng nề vào NHTW để cấp vốn cho những khoản chi tiêu công, trong các chừng mực khác nhau sẽ ảnh hưởng tới sự độc lập của NHTW và gây khó khăn cho khả năng thực hiện mục tiêu chính sách giữ ổn định giá cả.

Từ các cơ sở đã phân tích trên, có thể rút ra một số bài học chính sách cho các nước có quy định về việc vay ngân hàng còn sơ khai, trong đó có Việt Nam, như sau:

Nguyên tắc chung và quan trọng nhất là Chính phủ nên hạn chế việc vay: Với điều kiện và mức độ phát triển của từng quốc gia khác nhau việc Chính phủ đi vay là không thể tránh khỏi. Chính phủ của các nước công nghiệp và các nền kinh tế thị trường mới nổi không nên tiếp cận vay từ NHTW. Thay vào đó, họ có thể tăng nguồn thu thông qua thị trường vốn trong nước và quốc tế. Trên thực tế, việc cấm hoàn toàn các khoản vay của NHTW cho Chính phủ đã tồn tại ở hầu hết các nước công nghiệp, đặc biệt là tại châu Âu, nhưng ở các nước mới nổi, nhiều quốc gia vẫn cho phép NHTW cung cấp vốn cho Chính phủ, mặc dù chỉ dưới dạng ngắn hạn.

Tại các nước đang phát triển, việc cấp vốn của NHTW cho Chính phủ được thực hiện nhưng dưới dạng ngắn hạn. Ở các quốc gia này, nguồn thu của Chính phủ thường biến động theo mùa vụ, và thị trường vốn còn kém phát triển, do đó việc NHTW cho Chính phủ vay sẽ giúp làm giảm sự biến động lớn về ngân sách. Chỉ khi nào việc quản lý thuế được cải thiện và thị trường tài chính phát triển cao hơn, các Chính phủ mới có thể giữ cho những biến động mang tính thời vụ bớt nghiêm trọng hơn. Trong các quốc gia đang phát triển thuộc mẫu của nghiên cứu này, việc cấm hoàn toàn các khoản vay từ NHTW là rất ít.

Việc thiết kế một hệ thống thể chế tốt cho các khoản vay từ NHTW của Chính phủ mỗi nước phải phụ thuộc vào hệ thống tỷ giá hối đoái của nước đó. Trong khi việc ngăn chặn các khoản vay của NHTW dành cho Chính phủ cũng quan trọng như các chính sách đối phó lạm phát, các quốc gia với chính sách neo tỷ giá và chế độ tỷ giá hối đoái trung gian (tỷ giá được phép dao động trong một biên độ nhất định) cần theo sát nguyên tắc này. Các quốc gia với chính sách tỷ giá hối đoái mục tiêu sẽ đặc biệt dễ tổn thương đối với việc NHTW cần cấp các khoản vốn lớn cho Chính phủ cải thiện thâm hụt tài khóa, bởi việc tăng cung tiền sẽ làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối, từ đó có thể sẽ dẫn tới khủng hoảng cán cân thanh toán. Với lập luận như vậy, các nước nên xem xét việc áp dụng những quy định chặt chẽ hơn để hạn chế việc NHTW tiền tệ hóa các thâm hụt tài khóa.

NHTW có thể mua trái phiếu chính phủ tại thị trường thứ cấp để phục vụ duy nhất cho các mục tiêu chính sách tiền tệ của mình. Việc hạn chế số lượng trong các giao dịch như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các chính sách nới lỏng tiền tệ trong trường hợp khẩn cấp – như Hoa Kỳ và Anh đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính mới đây – dưới những điều luật rõ ràng và minh bạch. Nên công khai về giá trị và lưu lượng của những giao dịch mua này, cùng với những quy tắc hoặc chương trình được quy định từ đầu, để những chủ thể tham gia thị trường có thể theo dõi và đảm bảo rằng các giao dịch đã được thực hiện chỉ nhằm phục vụ mục tiêu chính sách tiền tệ. Tại những nước mà độ khả tín của NHTW không cao, các nhà lập pháp nên giới hạn số lượng trái phiếu chính phủ mà NHTW được phép nắm giữ nhằm ngăn chặn vấn đề cấp vốn gián tiếp. Mức giới hạn có thể là số lượng tiền mặt đang lưu hành hoặc một tỷ lệ nhất định các ghi nợ của NHTW.

Với các khoản NHTW cho Chính phủ vay được đảm bảo chỉ nhằm bình ổn sự biến động của nguồn thu từ thuế, và trước khi các chính sách tài khóa được cải thiện, hoặc thị trường phát triển đủ mạnh để bù đắp cho những biến đổi mang tính mùa vụ, các chính sách hoạt động nên đi theo các nguyên tắc chính nhằm hạn chế các méo mó của thị trường. Các nguyên tắc này bao gồm:

– Các khoản nợ phải là ngắn hạn. Chính phủ cần phải trả nợ ngay sau một khoảng thời gian ngắn, và nên trả ngay trong cùng năm tài khóa. Cũng nên xác định một kỳ hạn cụ thể để trả nợ tính đến những dao động theo mùa vụ của thu ngân sách chính phủ và cách thức thu hẹp biên độ dao động đó khi sử dụng tiền ngắn hạn của NHTW.

– Chi phí của các khoản vay dành cho Chính phủ cần được quy định bởi luật pháp và cần được xác định dựa trên lãi suất thị trường. Việc sử dụng các tiêu chuẩn thị trường là rất quan trọng nhằm giảm bớt động cơ/’rủi ro đạo đức khiến Chính phủ coi tiền của NHTW là nguồn lực đầu tiên để dựa dẫm vào. Nếu như mức lãi suất không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, NHTW sẽ cần phải đàm phán về lãi suất với Chính phủ, và từ đó tạo cơ sở cho Chính phủ có thể can thiệp trong thực thi các chính sách tiền tệ của NHTW.

– Các khoản NHTW cho Chính phủ vay cần có mức ngưỡng trần. Ngưỡng này nên được quy định bằng tỷ lệ phần trăm của nguồn thu từ thuế. Tất nhiên, các dạng tỷ lệ tương đối khác cũng có thể được sử dụng trong trường hợp cần thiết, ví dụ như: tỷ lệ phần trăm của tổng tài sản nợ của NHTW. Tỷ lệ cụ thể là bao nhiêu nên được quyết định riêng cho từng trường hợp. Trên thực tế, hầu hết các quốc gia đều giới đặt ngưỡng trần cho cho vay Chính phủ, ứng trước hoặc vay thấu chi vào khoảng 10 – 20% của nguồn thu Chính phủ trong năm tài khóa trước đó. Không nên đặt ra hạn mức cho vay trong so sánh với mức chi tiêu của Chính phủ bởi điều này có thể dẫn tới chính sách “bành trướng” chi tiêu tài khóa.

– Cần có các điều luật bảo vệ NHTW trong trường hợp Chính phủ không trả nợ đúng hạn. NHTW nên được trao quyền thực hiện rút tiền từ tài khoản của Chính phủ tại NHTW, hoặc được quyền phát hành trái phiếu chính phủ với giá trị đúng bằng số tiền mà Chính phủ đang nợ. Việc được phép phát hành trái phiếu đó là rất cần thiết trong trường hợp các khoản vay thấu chi của Chính phủ không được trả đúng hạn. Thêm vào đó, không nên cho phép Chính phủ vay thêm nợ từ NHTW nếu như chưa trả hết số nợ tồn đọng.

– Chỉ nên cho phép chính quyền trung ương được vay nợ từ NHTW. Việc cho chính quyền địa phương và các tập đoàn nhà nước vay nợ sẽ làm tăng số lượng vốn phải cấp của NHTW, đồng thời có thể đem tới nhiều rủi ro và các tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.

– Những điều kiện đi kèm với khoản vay của NHTW dành cho Chính phủ cần được công khai và minh bạch theo thông lệ. NHTW cần luật hóa các điều kiện để xử lý các khoản vay dành cho Chính phủ, và công bố định kỳ. Các thông tin cần được công bố bao gồm: số lượng/giá trị, lãi suất và thời hạn của các khoản vay. Các thông tin đó sẽ giúp thị trường làm quen và “nội bộ hóa” các tác động tiềm tàng của việc cho vay Chính phủ lên thanh khoản hệ thống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Financial Stability Review 2009-10, “Government borrowing from the banking systems: Implication for monetary and financial stability.

– Luis I. Jácome, Marcela Matamoros- Indorf, Mrinalini Sharma, and Simon Townsend (2012), “Central Bank Credit to the Government: What Can We Learn from International Practices?”, IMF Working Paper WP/12/16, Monetary and Capital Markets Department, Authorized for distribution by Karl Habermeier, January 2012.

– Nghị định số 50/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20 tháng 05 năm 2014 về quản lý dự trữ ngoại hối.

– Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013 (bổ sung sửa đổi).

– Võ Trí Thành và Lê Xuân Sang (Đồng chủ biên) (2004), Thị trường tài chính Việt Nam: Thực trạng, vấn đề và giải pháp chính sách, Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội, tháng 6/2004.

NGUỒN: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 18, 2015